top of page

Digital Minimalism: Mình tối giản cuộc sống Công nghệ số như thế nào?

  • Writer: Trang Trần Thu
    Trang Trần Thu
  • May 11, 2020
  • 10 min read

Updated: Sep 2, 2021


Mình là Content Creator, người chuyên sản xuất nội dung, nên cần rất nhiều ứng dụng, file, email, hay công cụ để làm việc hiệu quả - sáng tạo. Tuy nhiên các ứng dụng, email, công cụ này sẽ khiến mình dễ dàng xao lãng nếu như không áp dụng Digital Minimalism - Tối giản cuộc sống Công nghệ số. Mình chắc chắn rằng nhiều bạn cũng sẽ như vậy, bị vô thức cuốn theo các ứng dụng và thông báo mà không hề nhận ra mình đã dành nửa ngày chỉ để lướt feed hay check điện thoại.


Vậy chính xác thì Digital Minimalism là gì?


Nằm trong Chủ nghĩa Tối Giản (Minimalism), Digital Minimalism là sử dụng công nghệ một cách chủ đích.


Digital Minimalism, không thể chắc chắn hơn, sẽ làm cuộc sống số của bạn gọn gàng và bớt rườm rà. Bạn chỉ cần tận dụng đúng những gì bạn cần theo cách hiệu quả nhất mà không phung phí quá nhiều thời gian vô ích. Từ đó giúp quản lí quỹ thời gian hiệu quả, không những tăng năng suất làm việc mà còn có nhiều thời gian hơn cho việc thư giãn đúng nghĩa.

Và bạn sẽ cần phải cân nhắc xem liệu email, mạng xã hội, trình duyệt internet, .... - sẽ bổ sung hay làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.


Hành trình Thời đại số Bùng nổ


Năm 2007, Steve Job hé lộ tương lai bằng chiếc iPhone 3 với App Store đi kèm. Đánh dấu cho sự khởi đầu của một cuộc cách mạng di dộng, khởi đầu cho thời kỳ của Ứng dụng trên điện thoại.


Không lâu sau, Amazon cho ra mắt Kindle (Sách điện tử) - một trong những công nghê lâu đời nhất được loài người biết tới đã được số hoá.


Một năm sau, Google công bố trình duyệt Chrome.


Mới hơn một Thập kỷ trôi qua, nhưng có vẻ như cả Thế Kỷ trôi qua kể từ thời chúng ta sở hữu chiếc điện thoại thời cũ có bàn phím nổi thông thường, chỉ dùng cho việc nghe và nhắn tin.


Chỉ trong 10 năm, mọi người đã thực sự đắm chìm vào các thiết bị công nghệ. Dưới đây là những con số phân tích sẽ khiến bạn bất ngờ:


  • Tổng thời lượng dùng phương tiện điện tử tăng tới 40% kể từ 2013

  • Thời lượng sử dụng smartphone tăng gấp đôi 03 năm trở lại đây

  • Cứ 01 trong 02 phút trên mạng, chúng ta lại dành ra cho các hoạt động rãnh rỗi như lướt MXH, xem video, chơi game...

  • Cứ 01 trên 05 phút trên mạng, chúng ta lại lướt MXH

  • Một người trung bình dành 3 tiếng mỗi ngày để sử dụng điện thoại

  • Số người trên toàn thế giới sử dụng internet đã tăng lên 4,54 tỷ, tăng 7 phần trăm (298 triệu người dùng mới) so với tháng 1 năm 2019 (DigitalReportal)

  • Có 3,80 tỷ người dùng phương tiện truyền thông xã hội vào tháng 1 năm 2020, với con số này tăng hơn 9% (321 triệu người dùng mới) tính từ thời điểm này năm ngoái (DigitalReportal)

  • Hơn 5,19 tỷ người hiện đang sử dụng điện thoại di động, với số lượng người dùng tăng lên tới 124 triệu (2,4%) trong năm qua. (DigitalReportal)


Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi. Cuộc sống chỉ thật sự mang ý nghĩa nếu chúng ta để ý đến mọi sự vật diễn ra xung quanh, không phải trên chiếc màn hình.


Vậy làm thế nào để tối giản lại cách sử dụng công nghệ số?


PHẦN 01: Tối giản máy tính/laptop


Mục tiêu là loại bỏ bất cứ thứ gì không đem lại giá trị và nhân đôi những gì chúng ta sử dụng có ích một cách thường xuyên.


Trong bài là một vài gợi ý về hành động bạn có thể làm với chiếc laptop hay máy tính để không bị xao lãng:


1. Dọn dẹp màn hình desktop: Loại bỏ file và phần mềm không cần thiết ra khỏi desktop của bạn. Chỉ dùng Spotlight để mở chúng. Điều này mình làm cuối mỗi ngày làm việc và không hề tốn quá nhiều thời gian. Các file làm việc mình lưu trữ trên Google Drive, chỉ cần mở link là ra tất cả. Ít khi mình làm ra Word hay Excel, thay vào đó mình dùng Google Docs và Google Sheets.


Dưới đây là màn hình máy tính của mình để các bạn tham khảo:


2. Chọn màn hình nền thông minh: Không biết các bạn thấy sao, chứ mình do không để bất kì file nào trên desktop hết, nên việc lựa chọn hình nền rất kĩ. Phải đảm bảo: Tạo cảm hứng, màu đẹp, hợp mệnh, không nhàm chán. Lần nào bật laptop lên cũng cực kì tâm đắc. (Mình chọn hình nền ở Pexels.com)


Một số ý kiến thì khuyên bạn nên chọn hình nền đơn giản để không bị xao lãng khi làm việc, giúp bạn tập trung tốt hơn. Trang web gợi ý nếu bạn có hứng thú: http://simpledesktops.com/


3. Để chế độ Tự động ẩn The Dock (Menu Bar): Trong mục Dock preferences


Mình để ẩn phần này để màn hình trông rộng và thoáng hơn. Khi nào cần mình chỉ việc di chuột xuống dưới cùng của màn hình.


4. Gỡ cài đặt những phần mềm đã lâu không sử dụng hoặc không bao giờ sử dụng


5. Cài đặt Cập nhật: sau khi xóa các ứng dụng không sử dụng của bạn, hãy kiểm tra các bản cập nhật trên những ứng dụng còn lại và cập nhật phiên bản mới nhất.


6. Làm việc ở Chế độ toàn màn hình: hầu hết các chương trình đều cung cấp chế độ toàn màn hình, ngăn chặn sự xao lãng khi đang làm việc.


7. Cài đặt và add ứng dụng năng suất công việc vào trình duyệt: Cá nhân mình dùng Forest (https://www.forestapp.cc/). Các bạn có thể vào GooglePlay, sau đó add vào Chrome. Phần mềm này có mục đích giúp bạn tập trung làm việc hiệu quả hơn và thống kê số phút bạn thật sự tập trung.


Một khi đã nhấn vào nút bắt đầu làm việc, ứng dụng sẽ bắt đầu đếm ngược và ngăn bạn vào Facebook, Youtube, Twitter,.... Bạn hoàn toàn có thể thay đổi blacklist này ở phần cài đặt ứng dụng.

Một khi đã nhấn vào nút bắt đầu làm việc, ứng dụng sẽ bắt đầu đếm ngược và ngăn bạn vào Facebook, Youtube, Twitter,


8. Chỉ lưu trữ file và ảnh thực sự quan trọng trong laptop: Như mình đã đề cập bên trên, khi làm bất cứ việc gì, mình sẽ tạo file trên Google Drive và lưu trữ theo thư mục riêng thay vì lưu trữ chúng trong máy tính. Khi cần sửa gì chỉ cần vào file đó và sửa thôi, rồi gửi lại link cho sếp duyệt. Sếp nhấn vào link để xem chứ không cần phải tải file về. Tiện cho cả đôi bên. Mọi phiên bản chỉnh sửa đều được lưu BÊN TRONG file đó và không bị nhân lên thành nhiều file khác nhau.


Đồng thời, khi mình đang tạo chẳng may có tắt nhầm thì file vẫn luôn tự động lưu lại và cập nhật liên tục.


Chỉ file nào thực sự quan trọng mình mới lưu trong laptop, và lưu ở mục document chứ không để ra ngoài màn hình.


9. Hướng dẫn dọn dẹp file:

- Bước 01: Xoá file không cần thiết

- Bước 02: Đặt tên và phân loại sao cho dễ tìm kiếm. Như mình thì mình chỉ phân chia thành 02 thư mục lớn là: Work và Personal Files (Kể cả trên Google Drive và trong Laptop của mình)


Phân chia thành 02 thư mục lớn là: Work và Personal Files


Với các file công việc, mình đặt tên bằng cách đưa Tên dự án lên đầu tiên, sau đó là tên file. Ví dụ: Tamodo | Email MKT - Email thông báo cập nhật hệ thống

Mỗi một dự án sẽ có folder riêng để chứa.


- Bước 03: Dọn dẹp file hàng ngày. Vào mỗi cuối buổi làm việc, mình sẽ đóng lại tất cả các tab và phần mềm. Xoá toàn bộ các file trong mục download, empty thùng rác và tắt máy.


PHẦN 02: Tối giản điện thoại thông minh


Tiếp theo, hãy thực hiện tối giản với điện thoại của bạn. Dưới đây là các bước dọn dẹp điện thoại nhằm giúp bạn sử dụng chúng hiệu quả hơn.


1. Xoá các ứng dụng thừa thãi: Giống như bước đầu làm với laptop, bạn cũng sẽ bắt đầu với việc loại bỏ các ứng dụng bạn hiếm khi động vào.


2. Xoá các Mạng Xã Hội: Mình làm content nên phải dùng thường xuyên để update xu hướng và sáng tạo tốt hơn. Bạn nào không làm việc ở lĩnh vực liên quan có thể xoá các ứng dụng Mạng Xã hội.


Mọi xu hướng chỉ là tạm thời, sẽ chẳng sao nếu bạn cập nhật xu hướng giải trí chậm một chút so với mọi người. Bạn hoàn toàn có thể lướt MXH bằng trình duyệt trên laptop khoảng 10-20 phút/ngày nếu cần.


3. Sắp xếp màn hình điện thoại gọn gàng: Để 04 ứng dụng bạn thường xuyên sử dụng ở thanh dock dưới cùng. Tất các các ứng dụng còn lại hãy xếp vào folder riêng.


Mình chuyên tạo content và cần xây dựng profile lung linh, nên các app chỉnh sửa ảnh, video và social media khá tốn diện tích


4. Xoá bớt danh bạ: Xoá bớt các contact bạn cảm thấy sẽ không bao giờ liên lạc lại nữa. Đặt tên sao cho dễ tìm kiếm. Ví dụ, với các thành viên trong gia đình hay họ hàng: Fml C Quỳnh. (Fml viết tắt cho Family)


Với đồng nghiệp: Tên công ty viết tắt + Tên đồng nghiệp + Chức vụ (nếu cần)


5. Tắt thông báo: Chỉ nên bật thông báo cho cuộc gọi và tin nhắn. Còn lại tất cả mình nghĩ không cần thiết. Thường thì nếu có việc gì gấp, mọi người sẽ liên hệ với nhau qua số điện thoại trực tiếp thay vì MXH.


6. Cài đặt app năng suất: giống như ở trên laptop, mình vẫn dùng Forest cho điện thoại. Chức năng tương tự. Ở trên điện thoại thì có thêm các tính năng khác như xem được số cây mình đã trồng (số giờ tập trung), và hiển thị store để mua thêm cây mới, xem BXH với bạn bè,.... Lưu ý: Bạn phải bật Focus Mode thì app mới không cho bạn vào các app khác


7. Đồng bộ ảnh với Google Photo: Không bao giờ mình để quá 1000 ảnh trong máy. Mọi ảnh của mình đều được đồng bộ trên Google Photo, nên mình xoá trong điện thoại lúc nào cũng được mà không lo mất. Thi thoảng rảnh mình sẽ vào Google Photo lọc tiếp ảnh. Do app này tự động đồng bộ nhanh quá nên mấy ảnh rác của mình cũng bị cho lên luôn.


8. Sử dụng Note gọn gàng: Mình dùng Note để ghi chép những thứ cần lưu và phân loại thành nhiều page các nhau, rất tiện mà không bị rườm rà ra nhiều ứng dụng khác. Mình đồng bộ note cho cả Mac và Iphone nên check qua lại cũng dễ.


Đồng thời tên note cũng nên đặt rõ ràng, đẹp mắt để tạo cảm hứng, cảm giác gọn gàng, dễ chịu mỗi khi mở lên.



PHẦN 02: Tối giản email

Mọi người cứ nghĩ rằng email thì không có quá nhiều thứ cần xoá và lọc lại. Nhưng thật sự là rất nhiều, đặc biệt trong mục spam và thư quảng cáo. Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp(ADEME) thì mỗi e-mail người dùng gửi đi sẽ tạo ra 19 gram khí CO2 gây tác động xấu đến môi trường.


Tuy lượng khí thải nhỏ, nhưng với số lượng hàng tỷ e-mail lưu thông trên mạng Internet sẽ góp phần vào hiện tượng hiệu ứng nhà kính đang diễn ra trên toàn cầu.

Dù bạn không muốn nhận email, nhưng trong quá trình bạn đăng kí thành viên từ các website khác nhau, bạn sẽ vô tình subcribe nhận thư quảng cáo từ nhiều nhãn hàng.


Dưới đây là các bước Tối giản email bạn có thể áp dụng:

1. Tắt thông báo email: Mình chỉ check email 02 - 03 lần mỗi ngày vào lúc Sáng sớm, Trưa, và Cuối chiều. Thông báo email hiển thị bất chợt trên màn hình sẽ khiến mình xao lãng khi đang tập trung làm một task bất kì.


2. Unsubcribe: Kiểm tra hòm thư chính và hòm thư quảng cáo. Trong nội dung mỗi email quảng cáo hay tin tức, phần dứoi cùng luôn có chữ "Unsubcribe" hay "Ngừng theo dõi". Click vào để ngừng nhận email từ các nhà quảng cáo này, bạn sẽ giảm được rất nhiều lượng CO2 tạo ra từ chúng. Đồng thời xoá toàn bộ thư quảng cáo và thư rác.


Trong nội dung mỗi email quảng cáo hay tin tức, phần dứoi cùng luôn có chữ "Unsubcribe"



3. Dọn dẹp lại hòm thư và xoá các thư cũ không cần thiết.



PHẦN 04: Tối giản Internet


Internet là một nơi tuyệt vời, chứa lượng thông tin khổng lồ nhưng lại vô cùng lộn xộn. Nếu bạn không sử dụng đúng cách, bạn sẽ rơi vào chiếc "bẫy" này.

Đây là cách để đạt được sự tối giản trên internet:


1. Tìm ra đâu là website tiêu tốn thời gian của bạn nhất: Sử dụng Time Tracker để biết đâu là website bạn dành nhiều thời gian sử dụng nhất. Mọi thứ luôn bắt đầu bằng "biết" và nhận thức được vấn đề đang diễn ra. (Tải trên Google Play: https://chrome.google.com/webstore/detail/time-tracker/mokmnbikneoaenmckfmgjgjimphfojkd/related)


2. Unfollow và Unfriend: Nếu fanpage nào khiến bạn không còn thấy hứng thú, hoặc người bạn nào không liên lạc, tương tác với bạn hoặc cập nhật tin tức của họ trên MXH đã rất lâu, đừng ngại bấm nút Unfollow và Unfriend. Bù lại trải nghiệm lướt feed của bán sẽ chất lượng hơn nhiều.


Tối giản Cuộc sống công nghệ số là cả một quá trình.

Tối giản hoá Cuộc sống Công nghệ Số không phải là việc bạn chỉ cần làm một lần là xong.

Rất dễ dàng xóa và dọn dẹp các file cũng như toàn bộ ứng dụng trong một lần, nhưng cũng rất dễ để ngay lập tức bị cuốn vào lại thói quen cũ là thu thập "rác" kỹ thuật số.

Đó là lý do tại sao Tối giản hoá Cuộc sống Công nghệ Số là cả một quá trình: nó không phải là thứ bạn phải làm, nó là cảm giác tối giản và giá trị thực sự mà bạn nhận được.

Do đó, bạn cần trở thành một người nghiêm khắc và quyết tâm hơn về những gì mà bạn cho phép xuất hiện trong cuộc sống số của bạn. Liên tục thanh lọc bất cứ thứ gì không có giá trị để gia tăng chất lượng cho cuộc sống của bạn.


Chúc các bạn thành công!!!


Bài viết có tham khảo thông tin của: Dan Silvestre và Việt Nam Express.

----------------------------------------------------------

Bài viết tốn chất xám của người viết bài, khi đem đi đâu đừng quên ghi nguồn và link blog của mình nhé! Cảm ơn bạn dễ thương





Comments


"Nếu hiểu được mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau của mọi sự, có lẽ ta sẽ phần nào bỏ đi những định kiến, sự phân ly cảm xúc, tư duy Nhị Nguyên, để cho đôi mắt được giải thoát khỏi những hạn hẹp, trí huệ rộng mở và hợp nhất với dòng chảy của cuộc đời." - Đoàn Trúc

  • LinkedIn
  • Facebook
  • Instagram
bottom of page